Tết Đoan Ngọ 2025: Trải nghiệm khám phá văn hóa và tham quan tại Đà Nẵng

31/05/2025 11:33

ĐNO - Tết Đoan Ngọ 2025 là dịp lý tưởng để khám phá Đà Nẵng theo cách truyền thống: tham gia lễ hội, đi lễ chùa, ăn bánh ú tro và vui chơi biển đầu hè và đêm về xem thi bắn pháo hoa tại Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng- 2025.

Tết Đoan Ngọ - mùng 5 tháng 5 (ngày 31-5-2025) là dịp để người dân Đà Nẵng vừa gìn giữ nét đẹp văn hóa cổ truyền, vừa tận hưởng không khí nghỉ ngơi, vui chơi bên gia đình. 

Một góc phố Đà Nẵng vào ngày đầu hè

Theo sách “Văn khấn cổ truyền Việt Nam” (NXB Văn hóa Thông tin), Tết Đoan Ngọ là một trong những lễ Tết quan trọng của người Việt, diễn ra vào mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Từ “Đoan” nghĩa là bắt đầu, “Ngọ” chỉ khung giờ từ 11 giờ sáng đến 1 giờ chiều - thời điểm cúng lễ truyền thống. 

Tết Đoan Ngọ mang ý nghĩa sâu sắc: không chỉ là dịp bảo vệ mùa màng khỏi sâu bệnh, mà còn là thời điểm người dân thanh lọc cơ thể, phòng ngừa bệnh tật trong giai đoạn chuyển mùa - khi thời tiết nắng nóng dễ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Hoạt động lễ hội, vui chơi, giải trí là phần không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ năm nay.

Đi lễ chùa cầu an cho gia đình. Từ hôm qua 30-5, sau lễ đón xá lợi Đức Phật tại Sân bay Đà Nẵng, đoàn cung rước Xá lợi đã về đến chùa Quán Thế Âm (quận Ngũ Hành Sơn) tôn trí, an vị để tăng ni, phật tử, nhân dân và du khách thập phương chiêm bái.

X

Theo Ban tổ chức, Xá lợi Đức Phật sẽ được tôn trí tại chùa Quán Thế Âm từ ngày 30-5 đến ngày 2-6, là dịp để phật tử và người dân thành phố chiêm bái, cầu nguyện. Chùa Quán Thế Âm là một trong những ngôi chùa lớn, nổi tiếng tại Đà Nẵng, tọa lạc trên đường Sư Vạn Hạnh, quận Ngũ Hành Sơn. Ngôi chùa không chỉ là trung tâm sinh hoạt tín ngưỡng Phật giáo mà còn là điểm đến văn hóa thu hút đông đảo phật tử và khách hành hương bởi kiến trúc uy nghi, không gian thanh tịnh và các hoạt động Phật sự phong phú.

Tết Đoan Ngọ còn là dịp người Đà Nẵng đi lễ chùa để cầu bình an, xua tà khí. Một số điểm linh thiêng bạn nên ghé như Chùa Linh Ứng, bán đảo Sơn Trà: ngắm biển, cầu phúc...

Chùa Linh ứng ở bán đảo Sơn Trà nhìn từ biển

Trong dịp này, điểm đến của người dân và du khách có thể chọn là tham quan bảo tàng và không gian văn hóa truyền thống. Bảo tàng Đà Nẵng hoặc Bảo tàng Mỹ thuật có thể tổ chức các hoạt động trải nghiệm như làm bánh ú tro, học vẽ tranh dân gian, tìm hiểu phong tục Tết Đoan Ngọ qua hình ảnh và hiện vật.

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng

Làng nghề truyền thống (như làng đá mỹ nghệ Non Nước) cũng là lựa chọn thú vị để tìm hiểu văn hóa dân gian miền Trung dịp lễ này.

Nếu muốn đổi gió sau nghi lễ cúng tổ tiên buổi sáng, bạn có thể tắm biển Mỹ Khê, Phạm Văn Đồng, Bãi Rạng đón nắng đẹp, đông vui dịp đầu hè. Tham quan Bà Nà Hills tận hưởng không khí lễ hội mùa hè xen kẽ nét văn hóa Việt.

Một góc bãi biển Mỹ Khê

Tết Đoan Ngọ gắn với phong tục ăn rượu nếp, bánh tro, hoa quả nhiệt đới. Tại Đà Nẵng, bạn có thể dễ dàng tìm thấy các món này tại Chợ Hàn, Chợ Cồn, Chợ Bắc Mỹ An... là những nới bán nhiều mận, vải, mít, dưa hấu, bánh ú tro. Các gian hàng truyền thống bán rượu nếp cái hoa vàng, xôi vò, bánh lọc, chè trôi nước.

Một hộ dân chuẩn bị lá mùng 5 (một loại là dùng làm nấu nước uống)

Nhiều gia đình Đà Nẵng vẫn gìn giữ phong tục cúng Tết Đoan Ngọ vào giờ Ngọ (11 giờ - 13 giờ), mâm lễ gồm rượu nếp, bánh ú tro, hoa quả và hương hoa.

Mâm cúng tổ tiên dịp Tết Đoan Ngọ tại một gia đình ở thành phố
Mâm cúng tổ tiên dịp Tết Đoan Ngọ tại một gia đình ở thành phố

Vào ngày này, các gia đình thường sửa soạn mâm cỗ cúng gia tiên với đầy đủ các món đặc trưng như  rượu nếp, bánh gio (bánh ú tro), hoa, hương, vàng mã, thịt vịt, chè trôi nước…. Ngoài cỗ mặn, nhiều nhà còn bày mâm hoa quả để cầu mong gia đạo bình an, mùa màng tươi tốt.

Với người Đà Nẵng thì bánh ú tro là món không thể thiếu trong mâm cúng.

GIA PHÚC

(0) comments
Hightlight
Latest
Tết Đoan Ngọ 2025: Trải nghiệm khám phá văn hóa và tham quan tại Đà Nẵng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO